Văn hóa ẩm thực của một trong những ngày Tết ở Việt Nam đều vô cùng phong phú và có nét đặc trưng riêng ở mỗi vùng miền khác nhau. Món ăn ngày Tết miền Trung chính là cầu nối giao thoa giữa hai nền ẩm thực miền Bắc và miền Nam; hội tụ đầy đủ nét tinh tế, cầu kỳ pha lẫn sự mộc mạc, giản dị cả về hình thức lẫn hương vị. Nào chị em chúng mình còn chần chừ gì mà không cầm ngay cuốn “cẩm nang nấu ăn mỗi ngày” để sẵn sàng lưu lại các món ăn cổ truyền có trong ngày tết ở miền Trung và thực hiện ngay vào dịp tết đang đến cận kề này nhé.

Bánh tét

Nói đến bánh tét thì bạn sẽ liên tưởng đến ý nghĩa của sự hội tụ đất – trời. Bánh tét là món ăn truyền thống không thể thiếu của người miền Trung. Bánh tét có màu xanh thẫm với mùi hương của nếp cái, thịt lợn và đậu xanh, rồi được bao bọc bởi lớp lá chuối xanh với hình trụ dài.

Bánh tét phải gói vừa chặt, dùng lạc hoặc dây nhựa để buộc bánh tét. Bánh tét ngon hay không còn phụ thuộc vào kinh nghiệm nấu, thời gian, mực nước và cách xử lý khi vừa nấu xong. Bánh tét có thời gian nấu khoảng từ 11 – 12 tiếng thì bánh mới chín mềm và thơm ngon.

Bánh tét miền Trung bao gồm các nguyên liệu “nguyên thủy” nhất: nếp, đậu xanh, mỡ. Nhưng cũng chính vì sự đơn giản đó, mà người ăn có thể cảm nhận sâu sắc nhất hương vị từng loại nguyên liệu một.

Bánh tét ăn ngon hơn khi dùng với dưa kiệu, được làm từ củ kiệu, cà rốt, đu đủ phơi khô, ngâm trong nước mắm đường để ăn dần dần. Vị thơm nồng, cay cay, giòn giòn của dưa kiệu với vị ngọt mặn của mắm đường sẽ làm cho món bánh tét thêm độc đáo đến khó cưỡng.

Bánh tổ

Bánh tổ là sự kết hợp tinh tế của gạo nếp, đường đen, gừng và mè. Khi ăn, có thể xắt thành từng miếng vừa dùng ngay hoặc chiên với dầu ăn cũng rất ngon. Đây cũng là một số món ăn luôn xuất hiện trong mâm cỗ ngày tết miền Trung.

 

Xem thêm -> Món Ngon Ngày Tết Không Ngán Bạn Nên Bỏ Túi

 

Dưa kiệu

Món ăn ngày tết miền Trung không thể thiếu “dưa kiệu”. Nguyên liệu chuẩn bị bao gồm củ kiệu phơi khô, lột vỏ; cà rốt, đu đủ được chấn theo kích thước vừa ăn rồi mang phơi khô; ngâm với nước mắm đường, ớt. Nước mắm nấu xong, để nguội sau đó cho các nguyên liệu vào, nhớ thêm vài trái ớt để tăng thêm độ đậm đà và cay nồng của món dưa này.

Dưa kiệu thường được ăn cùng với bánh tét, bánh chưng hoặc ăn với cơm trắng. Bạn nên bảo quản tốt hủ dưa kiệu ở nơi thoáng mát để sử dụng được lâu hơn. Khi gắp dưa ra, bạn nên dùng muỗng hoặc đũa sạch để không làm hỏng phần dưa kiệu còn lại. Bên cạnh đó, món ăn giúp giảm độ ngán của những món nhiều dầu mỡ.

Thịt heo ngâm nước mắm

Dường như, với những con người miền Trung ai cũng đều quen thuộc món ăn này. Thịt heo luộc chín được xếp vào hũ thủy tinh rồi đổ nước mắm nấu vào cho ngập miếng thịt, cho kèm tỏi, ớt trái, hạt tiêu để tạo hương vị đặc trưng cho món ăn này, ngâm trong khoảng 3 ngày cho thịt ngấm nước mắm rồi lấy ra ăn. Món thịt này có vị mặn, ngọt thường ăn kèm với củ kiệu chua ngọt, dưa món, rau sống, rau thơm và dùng bánh tráng để cuốn hoặc ăn với cơm trắng.

Tùy cách bạn muốn thưởng thức nó như thế nào nhưng chắc hẳn rằng khi bạn chưng một hủ thịt heo ngâm nước mắm ở bếp ngày Tết sẽ tạo thêm sự phong phú và đa dạng về ẩm thực. Mặt khác, món này có thể bảo quản để sử dụng trong một thời gian 1 – 2 tháng nên bạn yên tâm nhé!

Nem chua, món ăn ngày tết miền Trung

Món nem thường được nhắc đến khi nói về ẩm thực miền Trung. Nem được làm từ thịt heo giã nhuyễn xen lẫn với các loại gia vị gồm tỏi, ớt, tiêu,… và sau đó được gói trong lá ổi, lá chùm ruột bao phủ bên ngoài bởi 2 lớp lá chuối. Để nem như vậy trong vài ngày là sẽ có vị chua thanh, giòn giòn, cay cay.

Nem chua có thể ăn trực tiếp với tương ớt, vài tép tỏi và ớt sắt lát. Món nem sẽ rất cay nhưng lại hấp dẫn vô cùng! Ngoài ra, bạn còn có thể đem nem nướng trên than hồng để mùi thơm từ thịt nem và các loại gia vị dậy hương lên rồi dùng để cuốn với bánh tráng và rau sống, dưa leo. Khi ăn, có thể dùng với nước tương đậu phộng pha ít nước mắm và ớt xay thì sẽ tuyệt cú mèo!

 

Xem thêm -> 10 Món Ngon Ngày Tết Miền Bắc Không Thể Thiếu

 

Chả bò tiêu sọ, đặc sản món ngon ngày tết miền Trung

Chả bò được làm từ nguyên liệu thịt bò xay nhuyễn, trộn với các gia vị như tỏi, ớt, tiêu sọ. Cách sơ chế biến của món này cũng tương tự như món nem chả thông thường, chỉ khác là sau khi dùng là chuối gói thành đòn chả xong, chả bò sẽ được hấp chín để dùng ngay hoặc bảo quản trong tủ lạnh. Trong bàn tiệc đãi khách ngày đầu xuân của người miền Trung thường có vài khoanh chả bò màu đỏ hồng. Món này có đủ vị mặn, ngọt, giòn, dai, cay quyện với mùi thơm nồng đặc trưng của tiêu đen.

Tôm chua

Tôm chua ngon nhất là từ xứ Huế. Sự hòa quyện giữa vị ngọt thịt tôm, béo của thịt, cay và thơm của riềng, tỏi ớt, vị chua của khế, chát của vả, hương của các loại rau thơm… tạo nên một “bản hòa tấu hương vị” khiến thực khách ăn một lần mà nhớ mãi không quên.

Tôm chua được bảo quản trong hủ nhựa hoặc lọ thủy tinh, nhìn rất bắt mắt bởi sắc đỏ của tôm, tỏi, ớt, hạt tiêu và riềng sợi xen lẫn vào nhau. Tôm chua thường được trình bày trong chén nhỏ dùng chung với cơm trắng hoặc để làm “mồi” nhâm nhi ba chén rượu ngày đầu xuân.

Tết đến, niềm vui sẽ được nhân lên gấp bội khi những người con xa quê trở về vào dịp cuối năm và được thưởng thức các món ngon ngày tết miền Trung như trên do chính tay người thân chuẩn bị, sẽ cảm nhận được sự yêu thương trọn vẹn bên mâm cơm xum họp gia đình trong những ngày đầu năm.

Xem thêm: 9 Món Ngon Ngày Tết Miền Nam Bạn Không Nên Làm Ngơ