Những chiếc bánh dẻo, bánh nướng chắc chắn là hình ảnh quen thuộc, không thể thiếu trên những mâm cỗ ngày Rằm Tháng Tám của người dân Việt Nam. Thay vì đi mua đồ bán sẵn vừa đắt đỏ, vừa phải lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm, hãy tự học cách làm bánh trung thu truyền thống đơn giản nhất để trổ tài nội trợ nhé!
Nguyên liệu làm bánh trung thu truyền thống
Muốn làm được những chiếc bánh trung thu cổ truyền ngon đúng điệu, nguyên liệu chính là khâu quan trọng hàng đầu. Theo đó, để làm 12 chiếc bánh 100g hoặc 10 chiếc 150g, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
– Phần vỏ bánh trung thu nướng
+ 170g nước đường
+ 30g dầu thực vật
+ 20g bơ đậu phộng mịn
+ 280g bột mì 11%
+ 10g rượu mai quế lộ
+ 3g baking soda
– Phần nhân bánh:
Bạn có thể tùy chọn nhân nhuyễn hoặc nhân thập cẩm (1kg), thêm trứng muối tùy sở thích.
Cách làm bánh trung thu truyền thống đơn giản nhất
– Bước 1: Nặn bánh
Trộn các nguyên liệu làm vỏ bánh, nhào thật kỹ cho tới khi thu được khối bột mịn. Chia bột làm vỏ và nhân thành từng phần tương ứng với số bánh cần làm theo tỉ lệ 1:2 (1 phần vỏ 2 phần nhân). Sau đó, cán mỏng bột, cho nhân vào giữa và vê lại.
– Bước 2: Đóng bánh bằng khuôn lò xo
Bạn dùng khuôn lò xo ấn từ từ vào từng chiếc bánh để tạo hình, giữ tay tầm 5 giây rồi mới gỡ bánh ra khỏi khuôn. Lưu ý là trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại khuôn khác nhau, song khuôn lò xo vẫn là loại dễ sử dụng hơn cả.
– Bước 3: Nướng lần 1
Bánh nên được nướng ở nhiệt độ cao (khoảng 180 – 220 độ) khoảng 10 đến 15 phút. Khi bánh chuyển qua màu trắng, bề mặt trên hơi vàng và có phấn thì lấy bánh ra khỏi lò.
– Bước 4: Phết bánh
Dùng hỗn hợp phết bánh (gồm 1 lòng đỏ trứng, ½ lòng trắng trứng, 3 giọt dầu mè, 3 giọt hắc xì dầu, ½ teaspoon nước, ½ teaspoon nước đường bánh nướng) quết một lớp đều lên xung quanh bánh.
– Bước 5: Nướng lần 2
Chờ cho lớp hỗn hợp phết bánh đã khô, bạn cho bánh vào lò nướng ở nhiệt độ 200 độ C khoảng 5 phút, khi quan sát thấy bánh chuyển màu nâu thì có thể lấy bánh ra phết thêm một lớp hỗn hợp trứng nữa.
– Bước 6: Nướng lần 3 hỗn hợp phết bánh đã khô, bạn cho bánh vào lò nướng tiếp khoảng 5 phút, khi bánh chuyển màu nâu cánh gián thì tắt lò, lấy bánh ra ngoài, bày lên đĩa hoặc chờ bánh nguội thì cho vào hộp, bỏ ngăn mát tủ lạnh để bảo quản.
Lưu ý:
– Phần nhân bánh bạn có thể tự chuẩn bị đậu xanh cùng các nguyên liệu khác, xay nhuyễn và sên với nước đường… hoặc cũng có thể mua nhân bánh trung thu bán sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, nhớ tìm đến những địa chỉ uy tín để đảm bảo an toàn.
– Bột mì có tỉ lệ thành phần protein càng thấp thì bánh càng mềm và ngược lại. Bột mì số 11 sẽ giúp vỏ bánh không quá cứng hoặc quá mềm. Nếu bạn thích bánh trung thu vỏ giòn như ngày xưa thì nên dùng bột mì số 13.
– Bơ đậu phộng rượu mai quế lộ là thành phần không thể thiếu, bởi chúng giúp vỏ bánh có mùi thơm truyền thống.
– Nước đường là thành phần quan trọng nhất của vỏ bánh. Nước đường phải đặc, sánh, sệt, có màu cánh gián mới là chuẩn. Nước đường chuẩn thì bột mới không bị nhão, bánh không bị phồng rộp, chảy xệ và mới có thể lên màu vàng nâu đẹp.
– Khi tạo hình cho bánh, bạn nên quét qua khuôn bằng một lớp dầu ăn và lăn bánh qua một lớp bột mỏng để bánh không bị dính.
– Để tạo màu cho bánh trung thu, bạn có thể dùng các loại bột như cacao, trà xanh, tinh than tre.. hoặc dùng nguyên liệu tự nhiên như củ dền, lá dứa, lá nếp…
– Bạn nên nướng bằng lò có cửa kính để tiện quan sát quá trình bánh chín, từ đó có thể điều chỉnh nhiệt độ và thời gian cho phù hợp.
Cách làm bánh trung thu truyền thống không hề khó như bạn vẫn tưởng phải không nào? Chúc các bạn thành công và ngon miệng với món bánh trung thu “made by yourself” nhé!