Cua đồng chắc hẳn không còn xa lạ với chúng ta nữa đúng không nào, nhất là đối với các bạn ở nông thôn có nhiều đồng ruộng thì cua đồng có lẽ còn gắn liền với cả một tuổi thơ nữa cơ. Cua đồng là món ăn bổ dưỡng, dân dã ở các vùng quê và thành thị Việt Nam với món canh cua, đây là món canh giải nhiệt, kích thích ăn uống, dễ tiêu hóa, phù hợp với những ngày hè oi nóng. Đặc biệt là món canh riêu cua. Cua đồng là thực phẩm tự nhiên, nguyên liệu dân dã, nhưng lại nấu được nhiều món ăn vừa hấp dẫn, ngon miệng và lại rất bổ dưỡng. Ngoài ra thì cua đồng còn là một bài thuốc có tác dụng sinh phong liền gân nối xương, dùng trị nhiệt tà, bạt độc, trừ ghẻ lở và máu kết cục.

Ngoài các món ăn thông thường với cua đồng vừa kể trên thì hôm nay, bài viết này sẽ hướng dẫn các bạn cách nấu một món ăn khác, lạ hơn chút, cũng với cua đồng, đó là món lẩu cua đồng. Tuy là cùng một cái tên nhưng mỗi vùng miền lại có một cách nấu lẩu cua đồng khác nhau. Bài viết này sẽ hướng dẫn các bạn cách nấu món lẩu cua đồng miền Nam.

Vì là một món ăn mang đậm tính dân tộc và văn hóa địa phương, thế nên việc lựa chọn và tìm mua nguyên liệu cho nồi lẩu cua đồng miền nam chắc hẳn sẽ không quá khó khăn đối với mỗi chúng ta. Tất cả đều là các thực phẩm hết sức quen thuộc và bình dân, có giá thành rẻ nhưng lại vô cùng bổ dưỡng. Tuy nhiên, với bất cứ món ăn nào dù có đắt hay rẻ, đơn giản hay kì công thì bạn vẫn cần đặt hết tâm trí cũng như tình cảm vào nó. Có như vậy, bản thân bạn khi tìm mua nguyên liệu và chế biến cũng sẽ dễ dàng hơn và món ăn cũng sẽ ngon và hấp dẫn hơn. Cùng tham khảo cách nấu món lẩu cua đồng miền Nam dưới đây nha.

Nguyên liệu cho món lẩu cua đồng miền Nam

  • Cua đồng: 800g
  •  Măng chua: 400g
  • Cà chua
  • Dọc mùng
  • Đậu bắp
  • Dứa
  • Hành lá
  • Hành khô
  • Mùi tàu
  • Ớt tươi
  • Me chua
  • Đậu phụ
  • Một số loại rau ăn kèm: rau muống, rau cần, cải bẹ,..
  • Bún, bánh đa, mì tôm,vv.v.
  • Gia vị: hạt nêm, hạt tiêu, nước mắm cốt ( Một chút ý là nên sử dụng nước mắm cốt thay vì các loại nước chấm thông thường hiện nay. Mắm cốt có độ đạm cao sẽ bổ dưỡng hơn đồng thời cũng mang lại vị thơm cho nồi lẩu hơn.)

Cách nấu lẩu cua đồng miền Nam

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu cho món lẩu cua đồng miền Nam

  • Đối với cua còn sống (cua tươi) bạn hãy rửa chúng với nước lạnh để chúng nhả hết bùn đất, rửa đến khi thấy nước trong thì dừng lại. Đổ tất cả vào một chiếc rổ rồi xoay vòng chiếc rổ thật nhanh để chúng bị “say” và không thể bò ra ngoài. Tiếp theo bạn tách bỏ phần yếm của chúng bỏ đi. Sau đó lại tách phần thịt cua ra khỏi phần mai. Bạn có thể giã hoặc xay bằng máy xay đều được. Tuy nhiên nếu có thời gian bạn hãy giã cua, như vậy chắc chắn sẽ có thành phẩm ngon hơn. Phần mai cua có chứa gạch bên trong, phần gạch này rất béo và thơm, nên bạn không được bỏ đi đâu nhé. Hãy dùng một chiếc tăm nhọn, nhẹ nhàng lấy phần gạch ở tất cả phần mai ra và cho chung vào một cái bát nhỏ.
  • Gọt vỏ rồi cắt bỏ mắt dứa. Cắt dứa thành từng lát mỏng, bỏ riêng ra đĩa
  • Rửa sạch cà chua với 2 đến 3 lần nước. Cắt bỏ phần cuống cà chua, cắt hình múi cau rồi để riêng ra đĩa.
  • Tước bỏ xơ dọc mùng. Chú ý nên đeo găng tay bởi dọc mùng có thể sẽ làm tay bạn có cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Rửa sạch lại với nước rồi cắt chéo thành từng đoạn ngắn. Để ráo nước
  • Rửa sạch măng chua với nước rồi để ráo. Cắt thành từng lát nhỏ
  • Rửa đậu bắp cho thật sạch để loại bỏ hết bụi bẩn. Thái chéo đậu bắp thành từng lát nhỏ.
  • Cắt bỏ rễ hành lá rồi rửa thật sạch. Cắt riêng phần gốc màu trắng của hành rồi chẻ mỏng. Cắt khúc nhỏ phần mầu xanh
  • Rửa sạch mùi tàu rồi cắt khúc ngắn.
  • Bóc vỏ hành khô, cắt bỏ phần rễ. Thái hoặc băm nhỏ hành khô
  • Nhặt và rửa sạch các loại rau ăn kèm. Rửa và cắt miếng các loại thịt ăn kèm

Bước 2: Cách nấu lẩu cua đồng miền Nam

  • Cho nước cua đã lọc vào một nồi to. Cho vào nồi nước cua một chút muối tinh và đường kính rồi khuấy đều. Bắc nồi lên bếp, vặn lửa to cho nước cua sôi lên. Khi sôi, cua sẽ nổi lên, bạn dùng đũa đảo nhẽ để cua kết lại rồi vớt ra để riêng ra chén. Giữ lại phần nước trong một chiếc bát tô.
  •  Tiếp tục bắc chảo lên bếp cùng một chút dầu ăn, vặn lửa to vừa cho dầu nóng thì đổ hành khô đã băm nhỏ vào phi thơm. Trút phần gạch cua đã lấy từ trước vào trưng lên cho thật thơm thì tắt bếp. Đổ ra một chiếc bát nhỏ
  • Đặt một chiếc nồi khác lên bếp, cho dầu ăn vào rồi bật bếp to lửa tới khi dầu nóng thì cho hành khô vào phi thơm.
  • Bắt đầu cho cà chua vào xào cùng, dùng đũa đảo thật đều tay. Trong quá trình xào cho vào nồi khoảng 1 thìa muối tinh để cà chua nhanh nhừ hơn.
  • Cho đồng thời cả dứa và măng chua đã sơ chế vào đảo cùng. Đảo đều trong khoảng 10 phút để dứa và măng chua tiết ra hương thơm đặc trưng của mình.
  •  Đổ vào nồi 2 bát nhỏ nước lạnh cùng 2 quả me chua.
  • Vặn lửa nhỏ rồi đun liu riu như vậy trong khoảng 15 phút cho me nhừ.
  • Nêm nếm gia vị với mắm, hạt nêm và muối tinh sao cho vừa ăn nhất.
  • Trút toàn bộ phần nước lọc cua đã để lại ở bước 1 vào nồi, vặn lửa to cho nồi nước lẩu của bạn sôi lên.
  • Lúc này, bạn cho phần cua nổi và gạch cua đã trưng vào nồi, tiếp tục đun cho nồi nước sôi.
  • Lần lượt thả dọc mùng, đậu bắp, mùi tàu, hành lã và đậu hũ vào nồi đun
  • Chuẩn bị sẵn sàng các loại rau ăn kèm, các loại thịt, bún, mì và nước chấm ra bàn ăn.
  • Đặt nồi nước ở giữa. Bạn có thể sử dụng nồi lẩu hoặc bếp từ tùy ý. Cho lửa nhỏ vừa để nước sôi liu riu suốt cả bữa ăn.
  • Thả rau và thịt vào nồi và thưởng thức ngay cùng gia đình và người thân thôi.

Lưu ý khi nấu lẩu cua đồng miền Nam

  • Cách giã cua: Phần thịt cua bạn cho vào cối và dùng chày giã nhỏ, sau đó bạn cho cua đã giã vào một nồi nước khoảng 500ml. Sau đó bạn lọc phần nước này qua rây, giữ lại phần nước, còn phần bã cua thì cho vào chày và đâm tiếp, sau đó lại cho vào nước, lặp đi lặp lại cho đến khi bã cua thật nhỏ và bạn lấy đủ 2 lít nước.
  • Cách xay cua: cách này rất đơn giản, bạn chỉ cần cho cua vào máy xay và xay nhỏ. Sau đó đổ ra nồi, rót nước vào, sau đó lại dùng rây lọc bã, lặp đi lặp lại cho đến khi lấy đủ 2 lít nước. Đối với cua bạn mua đã xay sẵn thì cách lọc lấy nước cũng tương tự.