Chè thưng đậu xanh hay còn được biết đến với tên gọi khác là chè bà ba. Đây là một món chè truyền thống có nguồn gốc từ Nam Bộ và được rất nhiều người yêu thích. Sở dĩ món chè này có tên bà ba bởi vì nó có nhiều màu sắc giống như tà áo bà ba của người con gái miền Nam. Nhưng hiện nay hầu như rất ít quán bán chè bà ba giữ lại nguyên bản, đúng vị của món chè này. Nếu bạn muốn tự tay nấu cho gia đình một nồi chè bà ba thì hãy theo dõi cách nấu chè thưng đậu xanh dưới đây nhé!
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Sắn (còn gọi là khoai mỳ): 1 củ nhỏ, nếu là củ lớn thì chỉ cần 1 khúc là được.
- Khoai lang: 2 củ nhỏ. Có thể chọn khoai trắng, khoai tím hay khoai lang vàng đều được.
- Đậu xanh: 1bát con. Chọn loại đậu xanh đã chà vỏ để thực hiện
- Đậu phộng: ½ bát con (miền Bắc gọi đậu phộng là lạc)
- Hạt sen: ½ bát con. Chọn mua loại hạt sen khô, có thể đã thông tâm hoặc còn tâm
- Đường cát: 300 gram. Có thể chọn loại đường cát vàng hoặc đường cát trắng đều được.
- Nước cốt dừa: 1 lon nước cốt dừa vắt sẵn hoặc 300 ml nước cốt bạn tự vắt
- Bột báng: ¼ bát con. Phần bột này bạn có thể mua sẵn hoặc tự làm.
- Bột khoai: ¼ bát con. Phần bột này bạn có thể mua tại các cửa hàng làm bánh
- Lá dứa: 10 lá. Nên chọn loại lá dứa xanh sẫm, lá già để có mùi thơm nhất.
- Phổ tai khô: 10 gram (phổ tai khô là một loại rong biển khô chuyên dùng nấu chè)
Cách nấu chè thưng đậu xanh
Bước 1. Làm sạch nguyên liệu
Đậu xanh, đậu phộng bạn đem rửa sơ qua rồi ngâm qua đêm với nước ấm vừa phải cho hạt đậu mềm, nở, ngấm nước. Hạt sen: Rửa sạch rồi ngâm qua nước khoảng 30 phút trước khi nấu, nếu được bạn hãy lựa chọn hạt sen tươi để nấu chè sẽ ngon hơn. Trước khi ngâm hãy tách bóc bỏ tim sen vì tim sen sẽ rất đắng.
Bột khoai: Ngâm qua đêm tương tự như đậu xanh, đậu phộng. Bột báng: Rửa sạch, ngâm mềm. Có thể ngâm bột báng khoảng 3 tiếng trước khi nấu, không nhất thiết phải ngâm qua đêm
Khoai, sắn: Nạo sạch vỏ sau đó xắt thành những miếng vuông nhỏ. Xắt xong, bạn cho khoai và sắn và ngâm với nước có pha một chút muối. Phổ tai khô: Rửa sạch cho hết bụi và cát. Rửa xong, bạn cắt phần phổ tai này thành những đoạn ngắn rồi vẩy cho ráo nước.
Bước 2: Sơ chế nguyên liệu
Bắc nồi lên bếp, cho vào nồi khoảng 1 lit nước, xâm xấp mặt đậu phộng, ninh cho tới khi đậu mềm thì vớt ra bát.
Tiếp tục cho đậu xanh vào nồi sau đó cho đậu vào ninh. Khi đậu vừa mềm thì bạn múc đậu ra bát, không nên ninh đậu mềm quá sẽ khiến đậu dễ bị nát.
Khoai, sắn: Cho mỗi thứ vào riêng một nồi. Tiếp theo, bạn cho nước vừa đủ và đun khoai và sẵn sôi trong khoảng 5 phút cho khoai và sẵn mềm hơn.
Đổ 300ml nước nóng vào cùi dừa, vắt lấy nước cốt dừa để riêng. Tiếp tục đổ 2 lít nước nóng vào phần cùi dừa rồi vắt lấy nước cốt dảo.
Hạt sen: Tương tự như các nguyên liệu trên, bạn cho hạt sen vào nồi rồi hầm cho mềm. Hầm xong, bạn vớt hạt sen ra bát.
Bước 3: Nấu chè
Chắt toàn bộ nước đã dùng để ninh/nấu các phần nguyên liệu trên vào một nồi lớn, các phần nướ này sẽ giúp chè ngọt và thơm hơn đấy. Tiếp theo, bạn cho thêm vào nồi khoảng 1.5 lít nước lạnh nữa rồi bật bếp, đun sôi hỗn hợp với lửa lớn. Trộn đều phần nước trên rồi cho tiếp nước cốt dừa + bột nước cốt dừa vào. Đặt nồi nước này lên bếp và bắt đầu cho khoai lang + sắn + lá dứa ninh cho tới khi chúng mềm hẳn. Khi khoai và sắn đã mềm, bạn từ từ cho đậu xanh, bột báng, hạt sen, đậu phộng, bột khoai vào chung.
Vừa đun, bạn vừa khuấy nhẹ đều cho các nguyên liệu chín và ngấm kỹ với nhau và để chè không cháy bám đáy nồi. Khi nồi chè đã được, bạn nêm đường cho vừa vị ngọt rồi cho phổ tai vào, tùy vào khẩu vị của gia đình, bạn có thể gia giảm lượng đường cho hợp lý, nếu không thích ăn phổ tai bạn cũng không cần bỏ vào nồi chè vì chúng hầu như không làm ảnh hưởng nhiều đến hương vị chè. Cuối cùng, bạn khuấy kỹ chè một lần nữa rồi tắt bếp.
Chè thưng đậu xanh thích hợp để ăn khi nóng hoặc ấm. Cách nấu chè thưng đậu xanh khá cầu kỳ với khá nhiều nguyên liệu, tuy nhiên thì các bước làm lại không hề phức tạp. Bởi thế, việc trổ tài cho cả gia đình thưởng thức món chè vào những ngày cuối tuần rảnh rỗi sẽ không phải là điều quá khó phải không ạ? Chúc các bạn thành công.