Khoai lang là một loại củ rất phổ biến và gần gũi với người Việt Nam, không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn có những công dụng phòng chữa bệnh và là một trong những thực phẩm tạo miễn dịch tốt cho cơ thể đó. Thành phần chính của khoai lang là tinh bột, ngoài ra còn có chất xơ và các loại vitamin A, vitamin C, vitamin B6… Chính vì những ưu điểm như vậy nên khoai lang rất tốt cho sức khỏe cho chúng ta. Một số tác dụng hữu ích của khoai lang đối với sức khỏe con người như: Tốt cho bệnh nhân tiểu đường, giảm nguy cơ ung thư vú, điều trị bệnh loét dạ dày, kích thích tiêu hóa, chữa táo bón, phòng ngừa bệnh viêm khớp,v..v..Bên cạnh đó thì khoai lang còn tác dụng giúp giảm cân, giúp mắt sáng, da đẹp,..Nhiều quá trời luôn đúng không nào? Vậy còn chần chừ gì mà không mua ngay khoai lang làm thực phẩm hằng ngày cho đại gia đình mình nhỉ?

Khi bạn đã quá chán với món khoai lang luộc truyền thống thì khoai lang kén là một sự lựa chọn thay thế hoàn hảo đó. Khoai lang kén là món ăn vặt yêu thích của nhiều người, đặc biệt là các em nhỏ bởi hương vị thơm ngon cùng hình dáng bắt mắt. Cái tên khoai lang kén được gọi theo hình dáng của món ăn này bởi mỗi miếng khoai sau khi chiên có màu vàng ruộm, nhỏ nhắn, xinh xắn như một chiếc kén tằm.

Món khoai lang kén được làm từ những nguyên liệu đơn giản, dễ mua dễ tìm lại không tốn nhiều chi phí. Chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ, bạn sẽ có ngay món khoai kén ngon để chiêu đãi cả nhà, nhâm nhi khi rảnh rỗi hoặc đãi khách khi có người đến chơi nhà.

Ngay sau đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn công thức làm khoai lang kén giòn tan, thơm ngậy một cách chi tiết, hãy theo dõi từng bước và ghi chú ngay vào sổ tay nội trợ của mình nhé!

Nguyên liệu làm khoai lang kén

  • Khoai lang: 500g, bạn có thể chọn khoai lang vàng hay khoai lang tím đều được
  • Đường cát trắng: 20g
  • Vừng đen: 10g
  • Bột năng: 20g
  • Nước cốt dừa: 100g
  • Bột chiên giòn: 1 gói 100g
  • Dầu ăn: 1 chai

Cách chế biến khoai lang kén

  • Bước 1: Sơ chế khoai.

Bạn đem khoai đi rửa thật sạch để loại bỏ đất cát bám xung quanh, sau đó cho vào nồi hấp hoặc luộc chín. Nếu luộc, khoai chín nhanh hơn nhưng hấp sẽ giữ được vị ngọt của khoai.

Sau khi khoai chín, bạn lấy ra để nguội bớt, bóc vỏ rồi cắt lát nhỏ cho vào tô. Dùng môi hoặc thìa tán khoai từng chút sao cho thật nhuyễn, làm ngay khi còn nóng để có hỗn hợp khoai mềm mịn. Lưu ý, ở bước này bạn phải tán khoai thật kỹ, nếu không khi ăn sẽ cảm thấy khoai không mềm mịn và bị cấn bởi những cục khoai nhỏ chưa được tán đều.

  • Bước 2: Trộn khoai và các nguyên liệu khác

Sau khi tán nhuyễn khoai lang, bạn từ từ rưới nước cốt dừa vào rồi trộn đều, cân đối lượng nước cốt dừa vừa đủ để khoai mịn, có thể viên lại mà không bị lỏng, nát hoặc quá khô.

Khi khoai thấm nước cốt dừa mới cho bột năng và đường cát vào nhào kỹ, bạn phải làm đều tay thì các nguyên liệu mới có thể hòa quyện vào nhau.

  • Bước 3: Tạo hình khoai

Chuẩn bị một cái mâm hoặc một cái khay lớn, đổ lượng bột năng vừa đủ vào một góc để lăn khoai.
Bạn lấy một lượng khoai vừa đủ vào lòng bàn tay, nắm và vê lại thành những miếng nhỏ, hình chiếc kén cỡ bằng ngón tay cái. Cho khoai lăn qua lớp bột năng để bột bám đều khắp viên khoai, bột năng sẽ có tác dụng làm khoai lang kén có dai hơn khi ăn. Làm lần lượt như vậy cho đến khi hết hỗn hợp khoai.

  • Bước 4: Rán khoai

Cắt gói bột chiên giòn vào một cái bát tô, từ từ rót nước lọc vào khuấy đều cho đến khi tạo thành hỗn hợp bột lỏng, sền sệt. Thêm vừng đen vào, khuấy đều tay để bột tan vào nước và không bị vón cục. Không nên pha quá đặc vì khoai sẽ dính nhiều bột, khi ăn làm mất vị ngon đặc trưng của khoai, pha quá loãng lại làm cho lớp vỏ bên ngoài không được giòn.

 Bắc chảo lên bếp với lượng dầu ăn vừa đủ để rán ngập khoai, nên dùng chảo lòng sâu hoặc nồi để rán vì chỉ khi rán ngập dầu khoai mới ngon và có màu vàng bắt mắt. Khi dầu nóng già, bạn nhúng miếng khoai qua hỗn hợp bột chiên giòn cho bột bao kín rồi nhanh tay thả vào chảo dầu sôi, làm lần lượt cho đủ một mẻ rán.

Hạ lửa ở mức trung bình để rán khoai, khi lớp vỏ bên ngoài cứng lại thì dùng đũa đảo đều cho khoai chín vàng.

Vì ruột khoai đã chín nên bước rán thường diễn ra rất nhanh, chủ yếu là làm cho lớp vỏ vàng giòn. Khi rán, bạn phải để ý và đảo khoai liên tục, khi thấy khoai có màu vàng ruộm thì dùng rây lọc vớt ra ngay, nếu không sẽ bị cháy. Để khoai trên rây lọc vài phút cho ráo dầu rồi cho ra đĩa, lót thêm một lớp giấy thấm dầu lên bề mặt đĩa để hút hết lượng dầu còn lại, giúp miếng khoai giòn và ăn nhiều cũng không bị ngán.

Lưu ý cách chọn khoai lang ngon:

Khi làm khoai lang kén, bạn phải chọn được những củ khoai tươi ngon nhất thì món ăn mới đảm bảo hương vị. Khi mua khoai, chị em lưu ý chỉ chọn những củ còn cứng, tươi, lành lặn, không bị dập hay sứt, mẻ; chọn những củ vừa vì củ nhỏ vị không ngon, củ to lại dễ bị xơ. Không nên mua khoai để lâu, bị héo, sứt mẻ hoặc bị rỗ, có màu đen vì đó là những củ bị hà, nếu ăn sẽ rất đắng và có mùi cực kì khó chịu.

Khoai lang nếu bảo quản tốt có thể để được từ 7 – 10 ngày, vì vậy bạn có thể mua nhiều để dự trữ và làm khoai lang kén thường xuyên. Muốn khoai để được lâu, mua về hãy cho vào rổ, rá, để ở nơi khô thoáng. Nếu để nơi ẩm thấp khoai sẽ mọc mầm, bảo quản trong tủ lạnh lại làm khoai nhanh hỏng, mất đi vị ngon ngọt tự nhiên.